ZingTruyen.Asia

Tap Lam Van

Bước sang thế kỉ 16, xã hội phong kiến bắt đầu suy vong, cuộc sống ngày càng nhiễu nhương, số phận của những người phụ nữ ngày càng bị chà đạp và vùi dập. "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ, tác phẩm truyền kì mạn lục là một tác phẩm nói về đề tài đó. Nhân vật chính là Vũ Nương phải lấy cái chết để minh oan trước sự ghen tuông vô cớ của chồng mình.

Có thể nói Nguyễn Dữ là tác giả văn xuôi tiêu biểu của văn học cổ thế kỉ XVI. "Chuyện người con gái Nam Xương" là chuyện thứ 16 trong 20 truyện của tác phẩm Truyền kì mạn lục, được bắt nguồn từ truyện cổ tích "Vợ chàng Trương". Câu truyện xoay quanh nhân vật Vũ Nương, một người phụ nữ nết na dưới thời phong kiến nhưng chỉ vì một lời nói ngây thơ của con trẻ mà bị nghi ngờ, bị xỉ nhục,bị đẩy đến bước đường cùng , phải kết liễu cuộc đời mình để giãi tỏ tấm lòng trong sạch. Hình ảnh người con gái Nam Xương là nhân vật từng có ảnh hưởng sâu sắc đến lòng người.

Vũ Nương tên thật là Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tỉnh Hà Nam. Nàng mang vẻ đẹp của con người hoàn thiện và lí tưởng dưới chế độ phong kiến. Nàng có "tư dung tốt đẹp" ,"tính đã thùy mị, nết na" vì nàng "vốn con kẻ khó", song rất mực tuân theo "tam tòng tứ đức", giữ trọn lề lối gia phong và phẩm hạnh của chính mình. Không chỉ thế Nguyễn Dữ đã thật tài tình khi đặt nhân vật Vũ Nương vào tình huống khác nhau để thể hiện rõ được phẩm chất của người phụ nữ thương chồng, yêu con, hiếu thỏa với cha mẹ chồng đồng thời cũng hết mực thủy chung son sắc.

Nàng là một phụ nữ luôn biết cư xử đúng mực. Khi làm vợ Trương Sinh nàng đã làm một người vợ hiền, ngoan nết, luôn biết giữ gìn khuôn phép, không khi nào vợ chồng phải để đến thất hòa mặc dù Trương Sinh là người chồng ít học, tính tình hay ghen tuông, đối với vợ thì phòng ngừa quá mức. Chính vì thế gia đình của nàng luôn đầm ấm, hạnh phúc.

Như bao người phụ nữ phong kiến khác Vũ Nương gặp bao bất hạnh trên đường đời. Chiến tranh tàn khốc đã khiến bao gia đình li tán, bao người đàn ông phải xa gia đình, Trương Sinh cũng phải ra trận đi đánh giặc Chiêm. Vũ Nương luôn lo lắng "sửa soạn do rét gửi người đi xa", chu đáo và ân cần tiễn đưa Trương Sinh ra trận. Bao người mong chồng đi lính trở về mang theo danh lợi, vinh hiển trở về nhưng nàng chỉ mong ước đơn giản rằng chồng mình được bình an, yên lành trở về quây quần, sum họp với nàng. Đồng thời nàng cũng hiểu và cảm thông được nỗi vất vả, khó khăn của chồng mình khi chàng Trương phải đi lính. Những lời tiễn đưa chàng Trương trận rất nhẹ nhàng, đầy tình cảm, đằm thắm, thấm đẫm tình vợ chồng thủy chung, ân nghĩa.

Không chỉ nết na, yêu thương chồng mà nàng còn là một người con dâu hiếu thảo, một người mẹ tốt. Sau khi chàng Trương ra trận ,Vũ Nương hạ sinh một đứa con trai, đặt tên cho thằng bé là Đản. Khi ấy, một mình nàng quán xuyến việc gia đình, chăm sóc mẹ già và nuôi dạy đứa con nhỏ. Thiếu vắng sự quan tâm của chồng nhưng nàng vẫn âm thầm, lặng lẽ dạy dỗ, bảo ban đứa con trai nên người. Trong chế độ phong kiến, mối quan hệ mẹ chòng nàng dâu thường không tốt đẹp thế nhưng nàng và mẹ chồng luôn hòa hợp, hết lòng vì nhà chồng. Mẹ chồng nàng vì quá nhớ con mà sinh ốm. Nàng đã tận tình chăm sóc, thuốc thang đầy đủ, khuyên bảo, và hiếu thảo với mẹ chồng như mẹ đẻ. Nàng cũng thường xuyên "lễ bái thần phật" mong cho mẹ chồng mình mau khỏi bệnh. Công lao, nhân cách và phẩm hạnh của nàng đã được mẹ chồng ghi nhận qua lời chúc phúc của mẹ chồng nàng "trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con chẳng phụ mẹ".

Nỗi nhớ mong chồng ngày càng khắc khoải, ngày càng dài theo năm tháng" bướm lượn đầy vườn", "mây che kín núi" nhưng nàng vẫn giữ gìn phẩm hạnh, sống chung thủy chờ đợi chồng. Khi xa chồng, nàng "giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót", chỉ vò võ quán xuyến gia đình, nuôi dạy con thơ, chờ ngày chồng trở về.

Cũng như bao người phụ nữ khác, Vũ Nương chỉ có một niềm mong ước nho nhỏ là hạnh phúc, "là thú vui nghi gia nghi thất", vợ chồng suy họp bên nhau. Thế nhưng ngày Trương Sinh từ chiến trận trở về, hạnh phúc ấy đã không thành, ngày sum họp đã trở thành ngày gia đình tan vỡ. Bi kịch xảy ra từ sự ngây thơ của đứa trẻ lên ba, chỉ nói lại những điều đêm đêm mẹ thường nói khi bố vắng nhà thêm Trương Sinh ít học, đa nghi lại cả ghen và mù quáng. Vôi tin vào lời nói của đứa con, Trương Sinh đã nghi oan cho vợ, mắng nhiếc và đuổi Vũ Nương đi. Vũ Nương đã cố sức giãi bày, phân trần để chồng hiểu rõ tấm lòng mình. Nàng đã nói đến thân phận mình, tình nghĩa vợ chồng và khẳng định lòng chung thuỷ, hết lòng tìm cách hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ bị tan vỡ. Dù họ hàng, làng xóm có bênh vực và minh oan cho nàng, Trương Sinh vẫn không tin.

Rơi vào cảnh bế tắc, thất vọng đến tột cùng, nàng chỉ còn biết lấy cái chết để giãi bày nỗi oan, chứng tỏ phẩm hạnh của mình. Nàng thề nguyền với thần sông vô cùng thảm thiết: "Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhựợc bằng lòng chim, dạ cá, lừa dối chồng con, được xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ ..." rồi "gieo mình xuống sông mà chết". Có gì đau đớn hơn khi người đẩy nàng vào đường cùng là người chồng và đứa con trai mà nàng yêu thương hết mực nhưng họ nào phải là kẻ ác mà nàng cũng chẳng phải là người phản bội. Đó chính là nút thắt, một bi kịch đã được đẩy lên đỉnh điểm trong cuộc đời của Vũ Nương.

Cuộc đời lắm oan khuất, khổ đau nhưng phẩm chất và đức hạnh của Vũ Nương sáng ngời như "ngọc Mỵ Nương", thơm ngát như "cỏ Ngu Mĩ". Bản thân nàng đã mược dòng Hoàng Giang để rửa sạch mọi nỗi oan khuất nhưng đã được các nàng tiên trong cung nước cho nàng thoát chết. Ở dưới thủy cung, gặp được Phan Lang là người cùng làng, nàng đã bày tỏ tình yêu quê hương, tổ tiên và chồng con mình. Nàng khao khát được giải oan, được trở về gặp lại chồng con nhưng không thể được bởi người đã chết thì không thể nào sống lại. Nàng chỉ hiện về trần gian trong chốc lát, vì đó chỉ là ảo ảnh của những giấc mơ, chứng giám cho tấm lòng ăn năn, hối hận của người chồng đa nghi. Nỗi oan khuất của Vũ Nương đã được rửa nhưng số phận của nàng thì không thay đổi được, cho thấy hiện thực khắc nghiệt của chế độ phong kiến. Biết bao người đã xót xa cho số phận của nàng trong đó có cả vua Lê Thánh Tông:

"Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt,

Giải oan chẳng lọ mấy đàn tràng"

Câu chuyện về Vũ Nương được dẫn dắt tài tình bởi một kết cấu giàu kịch tính, thắt nút bằng những yếu tố bất ngờ và đơn giản, chỉ với một lời nói ngây thơ của con trẻ mà đã gây ra bao nhiêu bão tố làm tan nát cuộc đời người thiếu phụ thanh xuân. Chiếc bóng" một hình ảnh nghệ thuật độc đáo, là một nút thắt đơn giản nhưng khó tháo gỡ nhưng cũng chỉ với một lời nói của đứa trẻ, nút thắt đã được tháo gỡ đầy bất ngờ, làm sáng tỏ bao bão tố, bi kịch. "Chất lãng mạn thấm vào những yếu tố kì ảo ở cuối truyện không chỉ thể hiện chân lí người tốt sẽ gặp điều lành, hoàn chỉnh thêm nét đẹp của Vũ Nương mà còn thể hiện mơ ước ngàn đời của nhân dân ta về sự công bằng. Bằng những từ ngữ miêu tả đặc sắc, kết hợp tự sự với trữ tình và thành công về nghệ thuật dựng truyện, tác giả đã làm nổi bật hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến theo phong cách truyện trung đại.

Số phận của Vũ Nương có tính chất điển hình của những người phụ nự dưới chế độ phong kiến. Hình ảnh người phụ nữ đức hạnh đã bị tước đi quyền được sống đã lên án và tố cáo xã hội phong kiến bất công, chế độ "nam quyền" và trọng nam khinh nữ và xót thương cho số phận của những người phụ nữ ở thời kì này. Qua nhân vật Vũ Nương, với ngòi bút hiện thực và nhân đạo, Nguyễn Dữ đã góp thê, vào nên văn học dân tộc một hình tượng đẹp về người phụ nữ Việt Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Asia