ZingTruyen.Asia

Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí

Hồi 29

HLoT04


Quận Tiến chẹn đường về Tây Định

Hiệp Đức mộng du núi Bồ Đà.

Trời sinh thánh chúa nổi uy dương,

Lẫm liệt hùng binh dẹp bốn phương.

Một trận nồm nam xua Bắc địch,

Muôn năm gây nghiệp mở Nam bang.

Cơ đồ vững chắc điềm rồng đẹp,

Nhà nước hưng long triệu phượng hoàng.

Ước thấy triều tà sau mãi nữa,

Thành trì tráng vĩ thế hùng cường.

Lại nói chuyện năm Quý Sửu, niên hiệu Dương Đức thứ hai (1673), hạ tuần tháng hai, Hiền vương đem quân về phủ chính ở Phú Xuân. Các quan văn võ vào phủ chúc mừng xong, vương truyền lệnh dựng đàn lễ tạ trời đất và tế cáo với các tiên vương thờ ở tông miếu. Tôn phong lăng linh thần có công giúp nước hộ dân. Lại sai mở yến tiệc mừng công dẹp giặc, khoản đãi tướng sĩ.

Tháng bảy, người do thám của doanh Bố Chính là Phù Lộc từ năm Nhâm Tý, nhân lúc Tây Định vương Trịnh Tạc rút quân, trấn thủ Triều Tín đã sai cải trang ăn mặc như quân Trịnh, trà trộn vào trong đám quân trở về để nghe ngóng tin tức ở Đàng Ngoài, nay Phù Lộc trở về vào cung phủ lạy chào Hiền vương. Vương hỏi:

- Ngươi từ khi ra Bắc đến nay nghe ngóng được những việc gì?

Phù Lộc thưa:

- Tháng chín năm Nhâm Tý, Tây Định thống lĩnh binh mã vào xâm phạm bờ cõi xứ Nam. Tây Định có phò mã thứ hai là quận Tiến, con trai của thống tướng Dinh Cầu là Đương quận công Đào Quang Nhiêu. Quận Tiến được Tây Định sủng ái, cho cầm quân ở lại đóng giữ quốc đô. Quận Tiến gia cư cự phú, thường đem vàng bạc, châu báu, tiền lụa cho người này người nọ để mua chuộc cố kết lòng người, rồi khắc tên họ vào tấm đồng, đề là "Đồng khởi nghĩa bản" (bản ghi tên những người đồng lòng dấy nghĩa) có ý muốn dòm ngó ngôi báu. Ba phần thiên hạ quận Tiến đã thu được một phần. Thấy Tây Định vương dốc quân quấy nhiễu xứ Nam, trong nước bỏ không, quận Tiến bèn manh tâm làm loạn để đoạt lấy ngôi chúa. Những ai có lòng quy thuận, cùng mưu làm phản thì ban thưởng cho vàng bạc châu báu. Kẻ nào còn do dự thì quận Tiến vu cho là làm trái phép nước, ngầm mưu giết đi, có đến hơn mười người bị giết như thế. Các tướng không ai dám nói năng gì, đều phải nghe theo hiệu lệnh của quận Tiến cả... Thế là quận Tiến để em là đô đốc Thắng quận công thay mình ở lại giữ Trung đô, tự mình dẫn quân vào đóng ở Dinh Cầu để xem thời thế biến chuyển thế nào. Quận Tiến mưu tính, Tây Định được lợi thế thì sẽ đánh tập hậu để cùng chúa Đàng Trong chia đôi thiên hạ, nếu Tây Định thua trận chạy về thì sẽ chặn đường ở Đèo Ngang không cho thoát, cứ để cho quân Nam đuổi bắt mà giết đi, bấy giờ quận Tiến sẽ chặn giữ ở Đèo Ngang rồi đoạt lấy Trung đô mà lên ngôi chúa. Không ngờ em Tây Định là quận Kiêm dò biết ý định của quận Tiến liền sai người phi báo cho Tây Định. Tây Định nghe báo vội rút quân lui về Dinh Cầu. Quận Tiến biết mưu mô không thành, lấy làm lo sợ bèn đến lạy chào Tây Định. Tây Định vương trách hỏi:

- Ta sai ngươi cầm quân đóng giữ kinh đô, vì cớ gì ngươi lại bỏ thành dẫn quân đến đây? Có phải định làm loạn không?

Quận Tiến quỳ xuống thưa:

- Thần là phận bề tôi, chỉ lấy trung hiếu làm đầu. Nay thấy vương thượng đem quân đi đánh Đàng Trong lâu ngày không có tin tức, thần lấy làm lo lắng nên dẫn quân vào đây chờ đợi để đón tiếp, chứ có dám mưu tính làm loạn đâu!

Thấy quận Tiến tuy mồm miệng đối đáp dễ nghe, nhưng sắc mặt có dáng sợ sệt, Tây Định lại càng nghi ngờ, bèn sai quân bắt ngay quận Tiến giải về kinh tra hỏi. Về đến Trung đô, Tây Định bèn triệu tập các quan đại thần đến để cùng xét hỏi. Quận Tiến không chịu khai, chỉ một mực kêu oan. Bấy giờ thái bảo Kiêm quận công ở lại giữ kinh đô, biết rõ việc ấy bèn tố cáo tất cả. Quận Tiến không chối cãi được phải cung khai từ đầu chí cuối, thú nhận quả là có sự manh tâm dấy loạn. Thái bảo quận Kiêm bèn lấy ngựa đi ngay đến nhà quận Tiến, lục lạo chỗ kín, tìm được bản đồng khắc tên những kẻ cùng mưu làm phản đem nộp trước vương đình. Xem qua một lượt thấy ghi đến hơn bảy tám chục người, Tây Định trầm ngâm hồi lâu, thầm nghĩ: "Nếu căn cứ theo bản đồng này mà khép các tướng vào tội chết thì tất sẽ sinh lòng phản loạn nhiều nữa. Chi bằng phải giữ kín việc này để yên lòng thuộc hạ." Nghĩ vậy Tây Định bèn nói:

- Đây là do giặc Tiến giả mạo danh hiệu của các tướng chứ không phải đúng thật như thế. Vả chăng ta và các tướng tình thân như cha con, anh em, cùng nhau đồng lòng hiệp sức, cùng hưởng phú quý, ai dám có lòng khác như vậy?

Các tướng nghe nói đều rạp đầu lạy tạ, nói rằng:

- Đúng như lời vương thượng nói. Bọn thần được dư hưởng tước lộc ở triều đình đều là nhờ vương thượng đoái thương đến, ngày đem những lo báo đáp nhưng chưa được mảy may, đâu dám có manh tâm như chữ khắc trên bản đồng ấy. Xin vương thượng suy lòng trời đất bao dung vạn vật thì bọn thần may mắn được bảo toàn tính mạng.

Rồi đó Tây Định vương bèn ném bản đồng vào lò đúc tiền nung chảy ra, không hỏi đến tên họ ai nữa. Bèn hạ lệnh đưa quận Tiến và em là quận Thắng ra xử lăng trì, phanh thây đem bêu ở bốn cửa ô để cho bọn loạn thần tặc tử phải khiếp sợ. Còn công chúa thì thu về cho nhà chúa, tịch thu gia sản nộp quan. Các người trong họ quận Tiến đều bị tước binh quyền, biếm làm thứ dân, suốt đời không được bổ dụng.

Thần nghe biết được những chuyện như vậy xin trở về bẩm lên vương thượng.

Hiền vương nghe xong cả cười, nói:

- Họ Trịnh tiếm đoạt đã lâu. Nếu Tây Định không đem quân về thì đã bị với tay quận Tiến rồi.

Vương bèn trọng thưởng cho Phù Lộc, cho thăng chức đội trưởng. Rồi vương truyền chỉ miễn thuế ba năm cho các xã ngoài lũy thuộc châu Bố Chính và huyện Khang Lộc để dân chúng được trở lại an cư lạc nghiệp. Còn các xã ở trong lũy thuộc hai huyện Khang Lộc, Lệ Thủy thì được miễn lệ nộp thuế thường tân[553]. Dân gian trăm họ đều hết sức vui mừng, cảm nhận ơn đức của vương thượng.

[553] Thường tân: nghĩa là cơm mới. Thuế thường tân là lệ nộp nếp mới, gạo tám đầu mùa gặt.

Từ đó binh cách lắng yên, thiên hạ thái bình, đồng ruộng được mùa, trong nước hưng vượng. Ngoài đường không ai nhặt của rơi, cổng ngõ không phải đóng, có thể sánh với đời thịnh thời Đường Ngu vậy.

Bấy giờ công tử Hiệp Đức bỗng nhiên phát lòng Bồ Đề, bắt đầu mộ đạo từ bi, bèn lập một tiểu am ở xã Khánh Quán, để hàng ngày thắp hương lễ Phật, học đạo, tham thiền, đặt phép, tụng kinh, nói huyền niệm chú. Từ đó công tử lánh xa sắc đẹp, chẳng màng của cải, chỉ vui cùng hạt thiện rễ nhân, có thể sánh với đạo hạnh của Mộc công vậy.

Bấy giờ đông cung thế tử là Phúc Mỹ hầu[554] biết chuyện ôm giận trong lòng, cho rằng Hiệp Đức lén lút cầu cúng để mưu đồ việc lớn. Phúc Mỹ hầu định sai người phá tĩnh am của Hiệp Đức đi nhưng chưa dám tự tiện, bèn nói ra.

[554] Phúc Mỹ hầu: tên tước của thế tử Nguyễn Phúc Diễn.

Người đương thời có thơ bình nghị như sau:

Danh lợi tranh giành chuyện cũ thay,

Chi bằng dũ áo biệt trần ai.

Bồ Đề hãy biết cây đất Phật,

Gương sáng thì hay ánh sáng ngời.

Chớ bảo Trang vương không giác ngộ,

Đừng khoe Trương tử sớm quên đời.

Rành rành thiện ác đều gây quả,

Thiên đạo ngời ngời há có sai.[555]

[555] Tiếp sau bài thơ này đến cuối tác phẩm có một số đoạn ghi chép quan hệ giữa chúa Nguyễn với Nặc Ô Đài, Nặc Nộn nước Chân Lạp (tức Cao Miên), chúng tôi tạm lược không dịch vì các diễn biến không trực tiếp liên hệ đến cuộc chiến Trịnh - Nguyễn.

Năm Giáp Dần, niên hiệu Đức Nguyên năm đầu (1674), tháng hai, Hiền vương truyền lệnh cho khâm sai văn võ đi tuyển duyệt quân liêu quân sĩ ở hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam. Ngày hai mươi tháng bảy, vào giờ Dậu, thình lình trời đổ mưa đá, từ phía đông nam mưa đến, tiếng động ầm ầm như sấm dậy. Dân chúng đều phải ẩn nấp không ai dám ngước lên nhìn, đến quá nửa giờ Tuất mới hết. Sau trận mưa người ta nhặt được những cục nước đá to bằng quả cam, nhỏ hơn thì như quả trứng gà, bỏ vào trong lọ sứ qua một đêm cũng chưa tan hết. Năm ấy trong dân nhiều người mắc bệnh đậu mùa, các ông lang lấy thứ nước mưa đá ấy bôi vào thì người bệnh cũng có phần được mát mẻ dễ chịu. Đến ngày mười ba tháng chín, vào giờ Mùi, bỗng nhiên ở cung mùi phía tây nam bầu trời nứt ra một lỗ xuyên thấu lên cao, xung quanh mây lành quần tụ như hình rồng cuộn phượng bay, dân chúng ai nấy đều đứng ngước nhìn. Bỗng thấy từ trong lỗ mây ấy bay vút ra một vật sáng lóa như ngọn đuốc, từ trên cao rơi xuống. Quả là một điềm lạ hiếm thấy. Các danh sĩ thời bấy gi đều bàn tán rằng: "Đó là điềm lành, sau này sẽ có bậc quân vương chân chính giáng sinh, sớm muộn tất sẽ gặp vận trung hưng."

Năm ấy được mùa lúa tốt, dân yên vật thịnh. Trên núi không có thú dữ, ngoài biển không có sóng to. Bốn dân đều được an cư lạc nghiệp, có thể thấy được thời vận thái bình. Người đương thời có thơ vịnh điềm lành lúc bấy giờ:

Ngời ngời khí đẹp khắp không trung,

Chiếu rọi huy hoàng Đâu Suất cung.

Năm sắc mây dồn đàn phượng múa,

Ba màu ráng tỏa bóng rồng tung.

Mới hay nước có ngôi anh chúa,

Quả thực trời sinh bậc thánh thông.

Giữ vững kiền khôn nền tảng vững,

Lâu dài nước thịnh nghiệp trung hưng.

Năm Ất Mão, niên hiệu Đức Nguyên năm thứ hai (1675), trung tuần tháng hai, có sao Thái Bạch di chuyển ngang qua bầu trời, sau tháng mới mờ khuất. Đến tháng tư, Hiền vương cho mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Hạng hoa văn được lấy trúng cách hơn ba mươi người, đều được vương cất nhắc bổ dụng.

Năm ấy, công tử thứ ba là Hoằng An hầu sinh con trai vào giờ Mùi ngày mười tám tháng năm. Bấy giờ mây lành rạng tỏa, khí đẹp bao trùm, đầy nhà hào quang bừng sáng, khắp nơi trong cung phủ thơm nức hương trời.

Vương tôn sinh ra mày Nghiêu, mắt Thuấn, lưng Vũ, vai Thang, trạng mạo như Đường tông, phong tư tựa Tống Tổ. Đến khi lớn lên, vương tôn ân uy gồm đủ, văn võ kiêm toàn, đúng là bậc chân chúa do trời sinh ra để định nước yên dân. Bấy giờ những bậc tài trí trong thiên hạ mới nghiệm biết vương tôn ứng vào điềm lành năm trước[556].

[556] Hoàng tôn nói trong đoạn văn trên là Nguyễn Phúc Chu, sau nối ngôi chúa tức là Minh vương (chúa Minh).

Lại nói chuyện tháng ấy công tử thứ hai là Hiệp Đức hầu sau khi bãi chầu ra về, vào trong am giảng kinh, thuyết pháp chân lí của đạo từ bi, chợt nghiêng lưng chợp mắt trong phòng thiền, chiêm bao thấy mình đi ra ngoài dạo chơi. Hiệp Đức đứng bên bờ sông ngắm nhìn non nhân nước trí, cỏ lạ hoa kì, thứ gì cũng tươi thắm mĩ lệ, trong lòng lấy làm yêu thích. Bỗng thấy xa xa về phía tây bắc có một con thuyền không buồm, không chèo đang lướt gió trôi nhanh về phía đông nam. Hiệp Đức lên tiếng gọi to thì con thuyền ghé vào đậu lại bên bờ sông. Hiệp Đức thấy trong thuyền có đến hơn hai chục thiền tăng, còn thuyền thì nhẹ bỗng, tịnh không có một thứ đồ vật hàng hóa nào cả. Hiệp Đức hỏi:

- Thuyền này đi về đâu?

Vị sư già đáp:

- Ta đi chơi núi Bồ Đà ở Nam Hải, tiên sinh có việc gì mà gọi thuyền?

Hiệp Đức nghe nói như vậy mừng thầm, nghĩ rằng: "Bản tâm ta muốn được thanh tịnh, nay lại gặp con thuyền ra núi Bồ Đà là cõi báu của Phật Quan Âm. Ta cũng muốn một lần trông thấy cõi ấy cũng đủ thỏa nguyện ba sinh."

Nghĩ vậy, Hiệp Đức thưa:

- Đệ tử muốn được đi theo, xin sư phụ rộng lòng cưu mang.

Vị sư cười đáp:

- Tiên sinh muốn đi thì mau lên thuyền, bần đạo không có gì e ngại.

Hiệp Đức nghe nói cả mừng liền bước lên thuyền. Con thuyền rời bến ra giữa lòng sông, rồi không sóng dồn gió thổi mà lao đi vun vút như ánh sao sa, trong chớp mắt đã hơn trăm dặm. Bỗng thấy trên bờ hiện lên một ngọn núi cao, hình thế rất đẹp, có nhiều chim muông cây cỏ quý lạ. Trên núi có một ngôi chùa nguy nga tráng lệ, đèn nến sáng trưng, chuông trống vang lừng. Một thiền sư cao niên tay cầm gậy trúc, chân đạp trên đám mây đứng trước cửa tam quan; thiền sư giơ gậy vẫy, con thuyền liền dừng lại bên chùa. Các nhà sư trên thuyền đều vào chùa lễ Phật, tham thiền. Sau đó mọi người đều sắp hàng đứng hai bên vị thiền sư. Thiền sư hỏi Hiệp Đức:

- Nhà ngươi quê quán ở đâu? Theo thuyền đến đây có việc gì?

Hiệp Đức cúi đầu thưa:

- Bạch sư phụ, đệ tử là con vua nướcNam. Nay đệ tử muốn đến núi Bồ Đà mong được trông thấy bảo tướng của Phật Quan Âm để xin sư tổ cứu độ ra khỏi bến mê.

Vị thiền sư già cười đáp:

- Tiên sinh muốn đi đến đó thì ta sẽ ban cho một lời kệ. Tiên sinh hãy suy ngẫm cho kĩ và ghi nhớ trong lòng.

Lời kệ như sau:

Của cải thành tro hóa bụi trần

Một trận gió tung ai lường được?

- Tiên sinh hãy ghi nhớ bài kệ ấy, đừng quên sót chữ nào rồi mau về nước phụng thờ cha mẹ cho tròn đạo hiếu. Ngày sau nếu còn muốn đi thì ta sẽ dẫn đường cho.

Hiệp Đức vái lạy hai ba lần khẩn thiết xin được đi theo để được một lần tham yết Phật Quan Âm. Bỗng một trận gió mạnh nổi lên, cát bay đá chạy mù trời, cây gẫy núi lở khắp nơi. Hiệp Đức ngoài nhìn chẳng thấy vị sư già và con thuyền đâu nữa. Hiệp Đức giật mình tỉnh dậy, mới hay là giấc chiêm bao. Bấy giờ nghe trong doanh tiếng trống cầm canh đã điểm canh ba. Hiệp Đức bèn ngồi dậy lấy giấy bút suy nghĩ nhớ lại để ghi lại đầu đuôi những điều trông thấy và cả lời kệ mà vị thiền sư già ban cho trong giấc mộng. Viết xong, Hiệp Đức ngồi xem đi xem lại cho đến lúc trời sáng. Công tử Hiệp Đức gọi mấy người thân tín vào trong am cùng ngồi biện giải ý nghĩa của lời kệ. Mọi người cùng nhau bàn cãi, thấy ba câu đầu thì ý nghĩa có thể hiểu được, chỉ còn: "Đĩnh trung minh kính nguyên vô ức" thì ý tứ huyền diệu khó hiểu, đành tạm để đấy chờ sau sẽ chiêm nghiệm xem sao.

Từ đó công tử Hiệp Đức ghi nhớ lời kệ, trong lòng nửa buồn nửa vui. Buồn vì đạo hiếu báo đáp cha mẹ chưa tròn, vui vì cửa Phật đã mở lòng truyền thụ, ngày đêm tưởng vọng không dám quên khuây.

Đến thượng tuần tháng sáu, vận trời đang lúc lưu chuyển, công tử Hiệp Đức bỗng nhiên nhiễm bệnh đậu mùa, ngũ tạng trong người nóng rực, chân tay đau nhức, toàn thân như đặt trên lò lửa, ngồi nằm không yên. Đã mấy ngày liền công tử Hiệp Đức bỏ ăn uống, thuốc men chạy chữa cũng không lành mà bệnh tình lại ngày càng trầm trọng. Công tử biết số trời đã vậy không thay đổi được, chỉ đành lặng lẽ than vãn mà thôi.

Hiền vương cũng biêt bệnh tình của công tử Hiệp Đức không qua khỏi, trong lòng lấy làm sợ hãi lo buồn. Vương biếng ăn kém ngủ, ngày đêm thương khóc lệ rơi.

Vương cũng lập đàn cầu mát, đến đền thần cửa Phật và tông miếu thờ các bậc tiên vương để xin cho công tử được tai qua nạn khỏi. Hàng ngày vương đều đến bên giường Hiệp Đức thăm hỏi bệnh tình.

Đến ngày rằm tháng ấy công tử Hiệp Đức biết bệnh tình ngày càng tăng, thế tất không qua khỏi, bèn gọi người hầu đỡ dậy rồi quỳ trên giường, cúi đầu rớt lệ thưa với Hiền vương:

- Thần nhờ ơn vương phụ vương mẫu sinh thành, công đức to lớn như trời đất, phải đâu thần lại không muốn dốc lòng trung báo đền ơn nước, phụng thờ cha mẹ. Nhưng nay đành nửa đường đứt gánh! Chỉ giận chưa diệt trừ được bè đảng họ Trịnh khuông phù cơ nghiệp nhà Lê để báo đáp ơn lớn của cha mẹ, cho trung hiếu vẹn toàn. Nay số trời đã hết, tự xét là ứng với lời kệ trong giấc mộng năm xưa. Thần xin cam chịu tội bất hiếu, muôn trông vương phụ tha thứ cho.

Nói xong công tử lại khóc to, rồi thở dài một tiếng mà mất. Năm ấy công tử hưởng thọ ba mươi ba tuổi.

Hiền vương đau xót ôm con, ngã vật xuống giường, gào khóc thảm thiết:

- Đau tiếc cho con ta tài đức đầy đủ, trung hiếu vẹn toàn, xứng đáng là bậc anh hùng cái thế. Sao trời nhẫn tâm đoạt con ta đi mau như thế!

Nói xong vương lại khóc to. Các tướng có mặt ai nấy đều bùi ngùi rơi lệ, thương tiếc mãi không thôi.

Vương bèn sắc phong cho công tử là Minh nghĩa tuyên lực công thần khai phủ quốc sự[557], thiếu úy Hiệp quận công Nguyễn Phúc Thuần để đền đáp công lao của Hiệp Đức công tử. Lại sai quân dựng đàn tế, dùng nghi thức tước công an táng Hiệp quận công ở đầu nguồn núi xã Hiền Sĩ, huyện Quảng Điền, lập đền thờ ở xã Vân Thê để ngày đêm hương khói phụng thờ. Dân gian trăm họ già trẻ trai gái biết tin công tử Hiệp Đức qua đời, ai nấy đều che mặt ôm nhau khóc than, thương tiếc cho công tử là bậc nhân đức hiếm có ở đời, ngờ đâu ông trời lại cho tuổi thọ quá ít.

[557] Các bản đều chép: "... khai phủ quốc sự..." ngchữ ấy đúng là "khai quốc phủ sự

Sau khi công tử Hiệp Đức qua đời người ta mới hiểu nghĩa câu kệ: "Đĩnh trung minh kính nguyên vô ức": "Đĩnh trung" (nửa đỉnh) là bán ngũ, bán ngũ tức là nửa năm, chỉ vào tháng sáu vậy. "Minh kinh" (gương sáng, chỉ mặt trăng) là ngày rằm, trăng tròn và sáng. Còn "nguyên vô ức" thì hiểu theo đúng nghĩa ấy (không được lâu dài). Tất cả câu kệ có nghĩa là: ngày rằm, tháng sáu năm nay công tử Hiệp Đức qua đời. Bấy giờ người ta mới biết lời kệ thật huyền diệu, ứng nghiệm không sai.

Người do thám của Bắc triều dò biết việc công tử Hiệp Đức mất bèn lén qua miền ranh trở về Bắc báo tin cho chúa Tây Định biết. Tây Định cả mừng nói:

- Công tử thứ hai của nhà họ Nguyễn là Hiệp Đức đã chết. Thế là Nam triều mất một người hiền tài. Trong mấy trận chiến năm trước, người ấy đã hăng hái gắng sức đặt kế bầy mưu khiến cho quân ta nhiều lần thua trận. Đúng là hổ cha sinh hổ con! Con ta làm sao mà sánh kịp! Từ nay về sau ta không còn gì phải lo nghĩ nữa.

Rồi Tây Định sai gióng trống để tỏ ý vui mừng, các quan trong triều đều vỗ tay đắc ý.

Người đương thời có thơ than tiếc công tử Hiệp Đức như sau:

Nước trôi hoa rụng tựa thoi đưa,

Than tiếc nhân sinh được mấy mươi.

Nhạt bóng bên mây dừng ngựa chiến,

Tay lâng ngoài cõi nhớ đao xưa.

Mới hay phú quý theo hoa rụng,

Lại bảo công danh tựa chớp mưa.

Hạt giống Bồ Đề gieo đã mọc,

Nhàn xem thế sự nực cười chưa!

lantܙ

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Asia